Những lưu ý để tài khoản mạng xã hội không bị khóa sau ngày 25/12
Từ ngày 25/12, Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng chính thức có hiệu lực. Dưới đây là những điều người dùng mạng xã hội cần lưu ý để tránh vi phạm.
Ngày 09/11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó có những quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày mai, 25/12. Dưới đây là những điều người dùng Internet tại Việt Nam cần lưu ý để tránh vi phạm các quy định và bị cấm hoạt động trên mạng xã hội.
Từ 25/12, tài khoản mạng xã hội xác thực số điện thoại mới được hoạt động
Tại Điểm e khoản 3 Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định các nền tảng mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản của người dùng tại Việt Nam bằng số điện thoại di động.
Chỉ trong trường hợp người dùng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản người dùng bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Từ ngày 25/12, tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam phải xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân (Ảnh minh họa: Trak).
Nghị định 147/2024/NĐ-CP nêu rõ chỉ những người dùng mạng xã hội đã xác thực tài khoản bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được hoạt động, bao gồm đăng thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Trong vòng 90 ngày kể từ 25/12, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam phải thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người dùng.
Việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại hoặc mã số định danh sẽ giúp ngăn chặn và xử lý các hành vi lừa đảo, phát tán tin tức giả mạo, vi phạm pháp luật… trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam.
Lưu ý những vi phạm sẽ khiến tài khoản mạng xã hội sẽ bị khóa vĩnh viễn
Theo quy định tại khoản 7 Điều 35 Nghị định 147/2024/NĐ-CP, các tài khoản của người dùng cá nhân, trang/nhóm cộng đồng, kênh nội dung trên các nền tảng mạng xã hội có thể sẽ bị khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn nếu mắc phải các vi phạm sau:
Tài khoản mạng xã hội có thể bị khóa vĩnh viễn nếu đăng thông tin vi phạm (Ảnh chụp màn hình).
- Thực hiện khóa tạm thời nếu những tài khoản cá nhân, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên đăng tải các nội dung vi phạm pháp luật (trong 30 ngày có ít nhất 5 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật hoặc trong 90 ngày có ít nhất 10 lần cung cấp nội dung vi phạm bị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ).
Các tài khoản, trang/nhóm cộng đồng và kênh nội dung này sẽ bị khóa chậm nhất trong 24 giờ sau khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua các phương tiện điện tử của Bộ TT&TT, Bộ Công an, Sở TT&TT địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Thời gian khóa tạm thời từ các tài khoản, trang/nhóm cộng đồng, kênh nội dung sẽ từ 7 đến 30 ngày, tùy thuộc vào mức độ và số lần vi phạm.
- Khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang/nhóm cộng đồng, kênh nội dung đăng tải các nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tài khoản, trang/nhóm cộng đồng, kênh nội dung đã bị tạm khóa từ 3 lần trở lên khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ TT&TT, Bộ Công an, Sở TT&TT địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Các nội dung vi phạm pháp luật có thể khiến tài khoản mạng xã hội bị khóa nếu đăng tải, chia sẻ
Theo quy định của Luật An ninh mạng 2018 (ban hành 12/6/2018, chính thức có hiệu lực 1/1/2019), các nội dung bị nghiêm cấm đăng tải lên mạng xã hội tại Việt Nam bao gồm:
1. Nội dung chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam:
- Đăng tải, phát tán thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước.
- Kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng.
- Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt hoặc lôi kéo người khác chống Nhà nước.
2. Thông tin sai sự thật hoặc gây hoang mang trong xã hội:
- Đăng tải thông tin sai sự thật làm nhục, vu khống cá nhân hoặc tổ chức.
- Phát tán thông tin bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội hoặc làm khó khăn cho cơ quan nhà nước và người thi hành công vụ.
- Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân.
3. Xuyên tạc lịch sử và phá hoại đoàn kết dân tộc:
- Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng.
- Phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt đối xử về giới tính hoặc chủng tộc.
4. Nội dung liên quan đến mại dâm, đồi trụy và các hành vi trái đạo đức:
- Hoạt động mại dâm hoặc quảng bá các tệ nạn xã hội như mua bán người.
- Đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy hoặc cổ súy cho các hành vi phạm pháp.
- Phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc và đạo đức xã hội.
5. Đăng tải các nội dung hướng dẫn thực hiện hành vi phạm pháp:
- Hướng dẫn cách thức thực hiện các hành vi phạm pháp như đánh bạc qua mạng Internet hay chiếm đoạt tài sản trực tuyến.
- Kích động người khác thực hiện hành vi phạm pháp.
6. Vi phạm quyền riêng tư và bí mật cá nhân:
- Xâm nhập trái phép vào hệ thống thông tin để thu thập dữ liệu cá nhân mà không được phép.
- Đăng tải thông tin bí mật đời tư của cá nhân mà không có sự đồng ý.
7. Các hình thức gian lận tài chính và giả mạo trên không gian mạng:
- Giả mạo trang web của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức để lừa đảo người dùng.
- Thu thập trái phép thông tin thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng của người khác.
8. Tấn công an ninh mạng và phát tán phần mềm độc hại:
- Thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin quốc gia hoặc hệ thống quan trọng khác.
- Phát tán phần mềm độc hại gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống máy tính và thiết bị điện tử.
Từ 25/12, người dùng mạng xã hội không được đặt tên dễ gây hiểu lầm
Điều 36 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định:
- Người dùng cá nhân và chủ kênh nội dung, quản trị trang, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội không được đặt tên tài khoản, trang, kênh, nhóm giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí hoặc có những từ ngữ (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc hoạt động báo chí như: Báo, đài, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình, truyền thông, thông tấn, thông tấn xã...
Người dùng mạng xã hội tại Việt Nam không được đặt tên tài khoản, tên trang hoặc hội/nhóm… dễ gây hiểu lầm là cơ quan báo chí hoặc đang hoạt động báo chí (Ảnh minh họa: TGDD).
- Người dùng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình; có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, ảnh hưởng đến trẻ em, chậm nhất trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc 48 giờ đối với khiếu nại có căn cứ từ người sử dụng dịch vụ.
- Người dùng cá nhân, chủ kênh nội dung, chủ trang cộng đồng, người quản trị nhóm cộng đồng trên mạng xã hội cũng cần phải quản lý, giám sát bình luận trên các nội dung do mình đăng tải, chia sẻ... và xóa bỏ các bình luận chứa nội dung vi phạm hoặc các bình luận bị cơ quan chức năng yêu cầu xóa bỏ.
- Người dùng cá nhân, chủ kênh nội dung, chủ trang cộng đồng, người quản trị nhóm cộng đồng trên mạng xã hội không được lợi dụng mạng xã hội để sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí.
Từ 25/12, trẻ em dưới 16 tuổi không được tự đăng ký tài khoản mạng xã hội
Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định 147/2024/NĐ-CP, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải lưu trữ thông tin người dùng dịch vụ từ Việt Nam, bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam (hoặc số định danh cá nhân).
Từ ngày 25/12, phụ huynh, người giám hộ phải giám sát, quản lý kỹ hơn quá trình sử dụng mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi (Ảnh minh họa: Ironcore).
Trong trường hợp người dùng dịch vụ là trẻ em dưới 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em phải đăng ký tài khoản bằng thông tin của người đó và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ lên mạng xã hội.
Như vậy, kể từ ngày 25/12, tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam sẽ được xác thực số điện thoại và thông tin cá nhân. Những người dùng dưới 16 tuổi sẽ không được phép tự đăng ký tài khoản mạng xã hội mà sẽ phải nhờ cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật đăng ký giúp tài khoản và sử dụng thông tin của chính những người này để đăng ký tài khoản.
Cha, mẹ và người giám hộ cũng có trách nhiệm giám sát, quản lý những nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ lên mạng xã hội.
Các hành vi đăng tải nội dung vi phạm pháp luật lên mạng sẽ bị xử lý nặng và tài khoản mạng xã hội có thể bị khóa vĩnh viễn.
Những quy định mới trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng sẽ giúp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi lừa đảo, phát tán tin tức giả mạo và giúp trẻ em tránh được những nội dung độc hại trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam.
Nguồn: Dân Trí