Thầy giáo 4 năm cõng vợ chạy thận: "Dù thế nào ba cũng không buông mẹ ra"


Trang chủ Sách hay Thầy giáo 4 năm cõng vợ chạy thận: "Dù thế nào ba cũng không buông mẹ ra"

Mưa như trút, nước ngập nửa bánh xe, anh Thành giữ chắc tay lái, nói: "Mẹ ôm chặt ba vào nhen". Tới bệnh viện, anh cõng vợ vào chạy thận rồi vội phóng xe đến nhà học sinh dạy kèm cho kịp giờ.

Buổi sáng ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay, anh Nguyễn Ngọc Thành, 46 tuổi hỏi vợ: "Hôm nay mẹ ước gì nè? Ba sẽ làm cho mẹ!".

Nằm trên võng, bên cạnh cậu con trai Minh Nhật, 18 tuổi, chị Trần Thị Đức đáp lời chồng: "Mẹ ước có thể đi lại được vững vàng để cùng dạo bộ với hai cha con, để được lần nữa tung tăng trên đôi chân của mình".

Bầu không khí trong căn chung cư cũ ở Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đang rộn ràng bỗng trầm lắng lại. Hai cha con nhìn chị Đức nghèn nghẹn. Cả hai cùng ôm chị, nước mắt lăn dài trên má.

Anh Thành nói: "Mẹ ơi! Ba thương mẹ quá. Mẹ đừng buồn, cho dù giờ chân mẹ yếu, mẹ ko đi lại được thì ba sẽ làm đôi chân cho mẹ đến suốt đời. Mẹ đi không vững ba sẽ cõng. Mẹ vẫn có thể đi dạo, vẫn tung tăng cùng hai cha con bằng đôi chân của ba!".

Gia đình nhỏ mang theo chú chó tên Bông từ quê vào Sài Gòn sống từ năm 2018 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tình yêu đích thực hay là nợ đời?

16 năm chị Đức sống cùng căn bệnh suy thận giai đoạn cuối cũng là từng ấy thời gian anh Thành cùng vợ giành lại sự sống. Hơn 4 năm nay, sau ca mổ u tuyến cận giáp, do biến chứng của bệnh, chân chị Đức yếu nên anh Thành phải cõng vợ lên xuống cầu thang tầng hai mỗi tuần 3 lần để đến viện để chạy thận. 

Vợ chồng anh Thành vốn là giáo viên dạy toán và vật lý ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Trước khi kết hôn, họ là bạn thân của nhau hồi học ở trường sư phạm. Tròn 20 năm trước, cả hai về chung nhà.

Anh Thành thừa nhận, thuở mới cưới, dù yêu vợ thật nhiều nhưng vì tính còn hời hợt, nên anh chưa phụ vợ nhiều trong công việc nhà. Chị Đức cũng cảm thấy việc "chăm sóc tận răng" cho chồng là điều hạnh phúc nhất đời mình.

"Nhưng cuộc sống đã làm thay đổi con người. Anh ấy đã không còn vô tư tận hưởng như trước nữa mà bắt đầu những ngày khổ cực lo cho vợ con khi tôi đổ bệnh", người phụ nữ 43 tuổi tâm sự. 

Vợ chồng anh Thành là bạn thân hồi còn học ở trường sư phạm (Ảnh chụp năm 1998, do nhân vật cung cấp).

Năm 2003, khi mang thai đứa con đầu lòng chị bắt đầu việc thường xuyên phải nhập viện nhưng không tìm ra bệnh. Sinh con xong, chị được xác định suy thận giai đoạn cuối.

Sau khi sức khỏe tạm ổn, chị Đức quay lại trường dạy học. Anh Thành lúc bấy giờ cũng là đồng nghiệp cùng trường, mỗi giờ vợ lên lớp đều lẳng lặng đứng ngoài cửa sổ nhìn vào. Nhìn học trò, nhìn thấy chồng bên ngoài, cô giáo Đức dường như đỡ hẳn mệt mỏi, đau đớn. 

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Một ngày năm 2007, khi đang ở trường, chị Đức phải nhập viện cấp cứu, bắt đầu chuỗi ngày xem bệnh viện là ngôi nhà thứ hai. Anh Thành tạm nghỉ dạy, theo vợ trong quá trình điều trị. Một năm sau, chị phải vào Sài Gòn ở nhờ nhà người quen để mổ cầu tay, phục vụ việc chạy thận. Cậu con trai hết gửi tạm cho những đồng nghiệp ở nhà tập thể, lại về quê sống cùng cậu ruột.

Lúc mới trị bệnh, chị Đức phụ chồng dạy kèm học sinh ở nhà những lúc khỏe. Nhiều lần chuyển trọ khiến con phải chuyển trường theo. Vào năm 2016, vợ chồng vay mượn để mua căn nhà nhỏ ở thành phố Quy Nhơn. Con trai Minh Nhật có khả năng ca hát nên cuối năm 2018 anh đưa con vào Sài Gòn dự thi Giọng hát Việt nhí. Dịp này, chị Đức cũng vào theo cổ vũ và để khám bệnh chuyên sâu hơn.

Nhờ thế, chị mới phát hiện có u tuyến cận giáp ở cổ do biến chứng sau nhiều năm chạy thận. Sau cuộc phẫu thuật, chân chị yếu hẳn do cơ thể mất khả năng giữ canxi. Anh Thành quyết định ở lại Sài Gòn để vợ được điều trị tốt hơn. 

"Thay vì buồn rầu, khóc than với số phận, chúng tôi chọn cách nắm tay nhau đón nhận bằng sự nỗ lực cố gắng. Hy vọng cuộc đời sẽ lại mỉm cười với chúng tôi", anh Thành nói.

Anh Thành chở vợ đi chạy thận, tranh thủ chở thùng hàng giao cho khách (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Muốn nói với chồng một lời xin lỗi!

Khởi đầu cuộc sống mới ở Sài Gòn, gia đình ba người thuê một căn trọ chỉ hơn 10m2 gần bệnh viện quận Phú Nhuận. Người cha bắt đầu đăng ký chạy xe ôm công nghệ.

Vì chưa biết đường cũng chưa quen sử dụng bản đồ, anh Thành thường xuyên bị lạc đường. Những hôm vắng khách, anh cố gắng chạy đến 1-2h sáng mới về nhà.

Muốn kiếm tiền phụ chồng, chị Đức tập tành lấy hàng hải sản ở quê vào Sài Gòn bán. Chưa có tủ lạnh trữ hàng, chị ướp nhiều đá vào thùng xốp. Nhưng vì loay hoay tìm đường, khi anh Thành đến nhà khách thì thường hải sản cũng không còn ngon nữa, chưa kể còn bị bom hàng.

Anh Thành 4 năm cõng vợ lên xuống lầu 2 đi chạy thận (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Người thầy giáo vốn quen cầm phấn, quần áo tươm tất nay tất tả ngược xuôi chạy ăn từng bữa. Sau 1 năm, người quen thuê giúp vợ chồng chị căn nhà ở chung cư Thanh Đa, tuy rộng hơn nhưng ở tận lầu hai. Ngoài việc phải vất vả bưng hàng hóa từ quê gửi vào lên lầu, anh Thành còn cõng vợ đi chạy thận. 

"Có lần trời mưa, anh cõng tôi suýt ngã nhào xuống đất nhưng vẫn cố giữ chặt tôi trên lưng", chị Đức nói.

Đôi chân của anh hết chở vợ đi viện lại đi chợ, đi giao hàng, đón con... không ngừng nghỉ. 

Vợ chồng anh Thành dừng lại giữa đường nghỉ mệt (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngày thường, chị Đức đảm nhiệm việc nấu ăn cho gia đình. Người phụ nữ không thể đi đứng nhưng vẫn ngồi trên võng nấu cơm bằng bếp điện nhỏ. Những lúc chạy thận về mệt, chị không thể nấu, anh Thành lại tự nhận "lỗi" với vợ rằng mình tệ vì tập nấu ăn hoài không được.

Những lúc ấy, chị Đức động viên chồng: "Con người mà, đâu phải cái gì cũng giỏi hết. Ba vì mẹ mà đã phải cố gắng thật nhiều. Với mẹ, món nào ba và con nấu cũng đều là ngon nhất trên đời".

Còn với cậu con trai Minh Nhật, dù từ nhỏ đã phải gửi nhiều người chăm sóc, sau này thay đổi chỗ ở và trường học nhiều lần, làm quen với môi trường mới nhưng em vẫn giữ  thành tích học sinh giỏi suốt 12 năm.

Gia đình cùng soạn bơ để giao cho khách (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Được chồng yêu thương, có con chăm ngoan, nhưng lòng chị Đức luôn có một nỗi buồn. Vào ngày tựu trường và ngày 20/11 hằng năm, khi thấy đồng nghiệp diện những bộ sơ mi, quần âu lịch sự, chị cảm thấy có lỗi với chồng. Vì chị mà anh phải xa quê, rời bục giảng sau gần 20 năm gắn bó.

"Tôi vẫn muốn nói với chồng một lời xin lỗi", chị Đức tâm sự.

Hiện tại, qua lời giới thiệu của bạn bè và nhiều nhà hảo tâm, anh Thành tìm được công việc gia sư môn toán cho các học sinh cấp 2 để kiếm thêm thu nhập, đồng thời cũng vơi nỗi nhớ nghề.

"Cùng nhau cố gắng đến khi không thể!"

Chị Đức kể, hồi còn ở quê, anh Thành có sở thích nuôi chim. Từ ngày vào Sài Gòn, anh không thể duy trì sở thích này. Đầu năm nay, khi cả nhà chuyển sang một căn trọ rộng hơn, chị muốn anh tiếp tục sống với niềm vui của mình. Vậy là ngày 8/3, chị giả vờ đòi quà, rồi bảo chồng rẽ vào tiệm bán chim cảnh.

Nhìn chồng trò chuyện với ông chủ như đã thân thiết từ lâu, chị Đức tò mò hỏi lý do thì mới biết thi thoảng anh ghé tiệm để ngắm chim.

"Vì tôi mà ngay cả sở thích nhỏ, anh cũng phải tạm gác", người vợ xúc động nói.

Bữa ăn tiệm hiếm hoi của gia đình chị Đức (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bên nhau hơn 20 năm, đôi lần anh Thành bất chợt không nhớ ngày vợ chồng đám cưới. Nhưng ngày 1/6 hằng năm luôn là ngày đặc biệt. Năm nay cũng vậy, đó là ngày mà 22 năm trước anh tỏ tình với chị.

Hôm đó, mới sáng sớm, khi chị Đức chưa tỉnh ngủ, anh Thành đã chào ngày mới bằng một nụ hôn và nói: "Chúc mừng kỉ niệm 22 năm ngày bắt đầu chuyện tình của hai đứa mình! Hãy cùng nhau cố gắng tiếp mẹ hen!".

"Với tôi, bao nhiêu đó là quá đủ, có mệt đến đâu vẫn thấy khỏe ra rất nhiều", chị Đức thủ thỉ.

Nhưng cái gì cũng có "hạn sử dụng của nó", sức lực của anh Thành cũng vậy. Chị Đức càng yếu, anh Thành cõng chị càng vất vả hơn. Sau khi nhiễm Covid -19, sức khỏe anh giảm sút. Cứ mỗi sáng thức dậy anh Thành lại đau thắt lưng. Kết quả khám sức khỏe cho thấy anh bị đau đốt sống lưng, sỏi thận.

Căn nhà nhỏ ở quê mua từ năm 2016 vẫn còn nợ bạn bè một khoản, nay sắp phải bán (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Mỗi lần được chồng cõng trên lưng, lòng chị Đức nặng trĩu. Chị đòi tự đi bộ rồi đòi kiếm thuê căn nhà nào ở dưới tầng trệt để tiện đi lại nhưng anh nhất quyết không chịu. 

"Ba còn cõng được mẹ mà. Với lại, thuê nhà ở dưới đắt lắm. Căn nhà hiện tại được chủ nhà thương tình cho ở, thôi mình ráng nhé", anh Thành trấn an.

Tháng 9 vừa rồi, Minh Nhật vào đại học, được nhận được học bổng của trường, 100%.  Nhưng cũng lúc này em biết bản thân cũng bị suy thận, giai đoạn 2.

Khi tiền dành dụm đã xài hết trong những tháng dịch bệnh, vợ chồng chị quyết bán căn nhà nhỏ ở quê. 

"Ngày vào Sài Gòn, tôi mong mình khỏe lại để quay về căn nhà cũ. Nếu tôi ra đi cũng có chỗ để chồng con đặt bàn thờ nhưng giờ không còn cơ hội nữa", chị Đức buồn bã nói.

Gia đình nhỏ luôn cười rạng rỡ mỗi ngày dù cuộc sống có nhiều khó khăn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhưng cuộc sống vẫn không ngừng thử thách gia đình nhỏ.

Ba tuần trước, trong lúc chở vợ đi chạy thận, anh Thành bị đụng xe. Dù ngã xuống đường và chân bị kẹt không thể nhấc ra được nhưng câu đầu tiên anh thốt lên đó là: "Mẹ ơi, mẹ có sao không?". 

Mấy hôm nay, dù chân còn đau nhưng anh vẫn quyết phải đưa vợ đi chạy thận. Không thể cõng vợ, anh nhờ người dìu. Thấy vợ phải ráng đứng dậy để làm việc nhà rồi ngồi thở hổn hển, anh nói: "Mẹ vẫn phải cố gắng nhé. Ba sẽ luôn cố gắng cho đến khi nào không còn có thể nữa mới thôi. Dù thế nào ba cũng không buông mẹ ra!".

Diệp Phan | Nguồn Dân Trí

20/10/2022



Một vài trang web bổ ích

Chuyển PDF sang  Word, Excel,.. và ngược lại

Đặt Mật Khẩu cho file PDF

Tải video từ Facebook

Gửi file dung lượng lớn qua zalo

Xóa nền hàng loạt cho ảnh

Xem mọi định dạng file Online

Kiểm tra Webcam và Micro

Các phần mềm thông dụng

Tra thông tin bảo hành Dell

Tra thông tin bảo hành WD

Tra thông tin bảo hành Seagate

Tra thông tin bảo hành sản phẩm Sony

Tin cần biết

Giới thiệu

Thỏa thuận sử dụng

Bảo mật thông tin

Cách thanh toán

Qui trình xử lý khiếu nại

Tên: Phạm Trần Nhân
MST cá nhân : 8416219597
Địa chỉ: 122B - KV.Thạnh huề - P.Thường Thạnh - Q. Cái Răng - TP Cần Thơ      
Email: Nhan0105@gmail.com 
Điện thoại / Zalo: 0919.832.087

Đối tác

Copyright © 2014 - 2024 Nhan IT |  Online: 290654  | Hỗ trợ 24/7 => 0919.832.087